ACV xin hơn 31.000 tỷ vốn ngân sách để nâng cấp các sân bay lớn
Thông tin từ ACV cho hay, doanh nghiệp này vừa lên kế hoạch đầu tư 5 năm 2016 - 2020, trong đó ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư cho các cảng hàng không có lượng khách tăng trưởng cao, có tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch, khai thác hiệu quả và có tầm quan trọng về an ninh, quốc phòng.
Theo đó, ACV sẽ tập trung đầu tư các dự án nâng cao năng lực khai thác hệ thống sân đường, hệ thống trang thiết bị khu bay tại Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Nội Bài. Mở rộng sân đỗ máy bay tại Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Nội Bài, Liên Khương, Buôn Mê Thuột, Cần Thơ, Côn Đảo…
Đồng thời mở rộng nhà ga hành khách, mở rộng sân đỗ máy bay, nâng cấp đường cất hạ cánh Phú Quốc. Sửa chữa cải tạo hệ thống sân đường khu bay tại Cảng hàng không Liên Khương, Buôn Mê Thuột, Côn Đảo…
Được biết, tổng mức đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không từ năm 2016 - 2020 lên tới hơn 31,6 nghìn tỷ đồng.
Ông Đỗ Tất Bình, Phó tổng giám đốc ACV, cho hay, hiện ACV đã trình kế hoạch lên Bộ Giao thông Vận tải, qua đó xin ý kiến triển khai từ Thủ tướng. Về nguyên tắc, vốn đầu tư các hạng mục hạ tầng trong khu bay được thực hiện toàn bộ bằng ngân sách Nhà nước.
“Khi chi phí đầu tư tăng cùng với trượt giá thì chắc chắn phí dịch vụ sân bay sẽ tăng theo. Tuy nhiên phải vào hạng mục cụ thể mới tính chính xác được tăng bao nhiêu”, ông Bình nói.
Trước đó, giữa năm 2016, ACV đã trình đề xuất lên Bộ Giao thông Vận tải đề nghị được tăng phí dịch vụ hàng khách nội địa tại 7 sân bay bao gồm: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Vinh và Phú Bài kể từ ngày 1/1/2017. Tuy nhiên, đề xuất này vẫn chưa được Bộ Giao thông Vận tải chính thức chấp thuận.
ACV là công ty quản lý và khai thác độc quyền 22 sân bay thương mại tại Việt Nam. Mới đây, ACV vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2016 với doanh thu thuần đạt 4.044 tỷ đồng, lợi nhận sau thuế quý 4 đạt 2.049 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 1.995 tỷ đồng.