|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

ACV báo lãi kỷ lục trong quý II nhờ hoàn nhập chênh lệch tỷ giá

08:30 | 01/08/2023
Chia sẻ
Nhờ khoản hoàn nhập chênh lệch tỷ giá đã giúp ACV báo lãi cao nhất trong lịch sử hoạt động.

Theo BCTC hợp nhất quý II, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (Mã: ACV) ghi nhận 4.949 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 44% so với cùng kỳ. Cụ thể, mảng dịch vụ hàng không đóng góp 4.052 tỷ đồng, chiếm 82% doanh thu. Tiếp theo là doanh thu từ dịch vụ phi hàng không và bán hàng.

Kỳ này, doanh thu hoạt động tài chính của ACV giảm 77xuống 442 tỷ đồng do không ghi nhận khoản lãi lớn từ chênh lệch tỷ giá đánh giá cuối kỳ. Còn chi phí tài chính âm 446 tỷ đồng do lãi hơn 469 tỷ đồng đánh giá chênh lệch tỷ giá vào cuối kỳ.

Bên cạnh đó, việc hoạt động kinh doanh phục hồi đã khiến chi phí bán hàng của doanh nghiệp tăng 93% lên 606 tỷ đồng. Chi phí bán hàng 87 tỷ đồng, tăng 58% so với quý II/2022.

Trừ hết đi chi phí, ACV ghi nhận 2.608 tỷ đồng lãi ròng tăng 2% so với cùng kỳ. Đây cũng là quý lãi kỷ lục của công ty. 

 Nguồn: Hoàng Dung tổng hợp từ BCTC.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, ACV đạt 9.658 tỷ doanh thu thuần, lãi ròng 4.241 tỷ tăng lần lượt 74% và 23% so với nửa đầu năm 2022.

Có thể thấy, việc tăng trưởng doanh thu là do thị trường hàng không dần phục hồi. Thông tin tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, tổng công ty cho biết sản lượng hạ cất cánh đạt 364.894 lượt chuyến tăng 19%. Trong đó, hạ cất cánh quốc tế đạt 99.298 lượt chuyến tăng 152%, hạ cất cánh trong nước đạt 265.596 lượt chuyến giảm 1% so với cùng kỳ.

Sản lượng hành khách ước đạt 56,9 triệu tăng 29%. Cụ thể, hành khách quốc tế khoảng 14,5 triệu, hành khách trong nước đạt 42,4 triệu tăng lầng lượt 494%2% so với cùng kỳ.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, lãnh đạo ACV cũng dự báo năm nay khách quốc tế đạt khoảng gần 80% năm 2019, tương đương 30 triệu lượt. Công ty hy vọng từ quý II, khách Trung Quốc sẽ bắt đầu vào Việt Nam và đã có tín hiệu nối lại các chuyến bay từ các thành phố của Trung Quốc đến sân bay Cam Ranh, Đà Nẵng.

Nguồn: ACV (Đồ hoạ: Hoàng Dung).

Ông Vũ Thế Phiệt, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc ACV dự báo năm nay sẽ có những yếu tố thuận lợi cho ngành hàng không, du lịch như các chính sách chỉ đạo chung của Chính phủ trong việc kiểm soát dịch bệnh và kinh tế vĩ mô; WHO đã chấm dứt tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu và Trung Quốc đã có chính sách mở cửa.

Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn do kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro về lạm phát; nguy cơ suy thoái ở các ước lớn; xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc trong năm nay và giá cả tăng ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư xây dựng của ACV.

Hành khách xếp hàng, chờ qua cửa an ninh tại sân bay Nội Bài, Hà Nội (Ảnh: Hoàng Dung).

Gần một nửa tài sản là tiền nhàn rỗi

Về tình hình tài chính, tại ngày 30/6, ACV có tổng tài sản 63.214 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Khoản tiền, tương đương tiền, tiền gửi có kỳ hạn đạt 31.275 tỷ đồng, chiếm 49% tổng tài sản. Trong nửa đầu năm nay, công ty nhận về hơn 419 tỷ đồng tiền lãi.

Nguồn: Hoàng Dung tổng hợp từ BCTC.

Bên cạnh đó, các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng đã tăng 29% so với đầu năm lên 8.138 tỷ đồng.

Việc thực hiện các dự án trọng điểm của ngành hàng không cũng khiến chi phí xây dựng cơ bản dở dang của ACV tăng 33% lên 6.234 tỷ đồng. Trong đó, số tiền đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quốc tế (HKQT) Long Thành là lớn nhất với 4.609 tỷ đồng.

 Nguồn: Thuyết minh BCTC hợp nhất.

Tại ngày 30/6, nợ phải trả của ACV là hơn 16.561 tỷ đồng. Trong đó, tổng nợ vay là 11.365 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay dài hạn từ các nguồn vốn ODA bằng đồng yen Nhật. Tổng chi phí lãi vay nửa đầu năm khoảng 34 tỷ đồng. ACV khẳng định, đơn vị có khả năng thanh toán tất cả các khoản nợ vay.

Vốn chủ sở hữu cuối kỳ đạt 46.652 tỷ đồng bao gồm 21.772 vốn góp chủ sở hữu, 6.035 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển và 18.786 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Xét về dòng tiền, trong nửa đầu năm nay, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của công ty dương 1.775 tỷ đồng. Dòng tiền từ hoạt động đầu tư âm 2.419 tỷ đồng, dòng tiền từ hoạt động tài chính âm 161 tỷ đồng khiến lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm 805 tỷ đồng.

Hoàng Dung

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.