|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

8X Việt từng rửa bát thuê ở Nhật khởi nghiệp AI nơi đất khách quê người

07:37 | 17/02/2021
Chia sẻ
Sau nhiều năm “làm thuê” ở Nhật Bản, Nguyễn Công Thành quyết định mở một công ty của riêng mình trong lĩnh vực công nghệ.

Một startup phát triển phần mềm do 3 thanh niên Việt Nam ở Nhật Bản đang muốn chiếm lấy miếng bánh cơ hội lớn bằng cách chăm chút những tiểu tiết mà các công ty Nhật Bản thường không chú ý đến.

"Chúng tôi muốn cung cấp các hệ thống dễ sử dụng cho cả những doanh nghiệp vừa và nhỏ", ông Nguyễn Công Thành, chủ tịch Hachix, nói bằng tiếng Nhật Bản với Nikkei.

Doanh nhân 8X Việt từng rửa bát thuê ở Nhật khởi nghiệp thành công nơi đất khách quê người - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Công Thành, Chủ tịch Hachix, một startup có trụ sở tại Nhật Bản. (Ảnh: Nikkei)

Hachix được sáng lập vào tháng 7/2017 ở Nagoya, Aichi Prefecture với vốn điều lệ 5 triệu yên (khoảng 43.600 USD theo tỷ giá thời điểm đó). Một nửa vốn điều lệ do ông Thành và 2 người đồng sáng lập khác đóng góp. 

Phần còn lại đến từ một doanh nhân mà họ quen biết. Công ty này chuyên phát triển và cung cấp hệ thống phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo cho các đơn vị bán lẻ, nhà sản xuất và các nhà thầu công nghệ thông tin.

Hachix từng cung cấp phần mềm có khả năng dự đoán và phân tích hoạt động bán hàng văn phòng phẩm. Hachix sở hữu hệ thống Internet vạn vật (IoT) sử dụng cảm biến để theo dõi dây chuyền sản xuất. Bên cạnh đó, nó còn cung cấp các dữ liệu được phát triển từ cảm biến để tối ưu việc sắp xếp công nhân nhà máy.

"Chúng tôi nỗ lực để đáp ứng nhu cầu của khách hàng một cách tiết kiệm chi phí nhất có thể", ông Nguyễn Công Thành nói.

Hachix cắt giảm chi phí bằng cách phát triển các hệ thống theo yêu cầu bằng cách sử dụng phần mềm miễn phí, cảm biến mục đích chung và các thiết bị khác.

Các đơn hàng của Hachix thường có giá trị dao động trong khoảng từ 8.700 USD tới 22.000 USD. Khách hàng của Hachix thường là các nhà sản xuất có quy mô vừa và nhỏ với nhân sự từ 50 đến 100 người. Vì nhiều công ty ở quy mô trên chưa số hoá các hệ thống, Hachix tin rằng mình vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển.

Đơn hàng đầu tiên của Hachix đến từ một đơn vị vận hành các nhà hàng Việt Nam liên quan đến một hệ thống đặt đồ ăn tự động. Hachix đã tạo ra một chương trình chạy trên máy tính bảng để xử lý đơn hàng và thanh toán. Dù vậy, startup nhanh chóng nhận ra mình chỉ có thể có được đơn hàng từ một số ít các nhà hàng mới do thị trường lúc bấy giờ đã có quá nhiều đối thủ.

"Năm đầu hoạt động kinh doanh gói gọn trong hai từ "kinh khủng", ông Thành nhớ lại.

Trải nghiệm cay đắng khiến Hachix chuyển hướng và nhắm tới các nhà sản xuất và nhà thầu công nghệ thông tin. Trong 3 năm đến tháng 6/2018, Hachix ghi nhận doanh số 28.300 USD. Một năm sau, con số tăng lên 150.800 USD

Kể từ thời điểm đó, đại dịch COVID-19 làm ảnh hưởng khá nhiều đến tăng trưởng của Hachix mặc dù Hachix vẫn kỳ vọng doanh số sẽ tăng 50% trong năm tài chính hiện tại.

Theo Tổ chức doanh nghiệp vừa và nhỏ và sáng tạo khu vực (Nhật Bản), người nước ngoài hiếm khi khởi nghiệp kinh doanh ở mảng công nghệ thông tin hoặc các mảng kinh doanh cao cấp khác ở Nagoya.

Khen ngợi mạng lưới ở nước ngoài của Hachix, song ông Yutaka Matsuyama, giám đốc Nagoya Life Science Incubator, nói rằng startup này cần "cải thiện khả năng đảm bảo chất lượng và dịch vụ bảo trì hệ thống, đồng thời tích luỹ thêm công nghệ bằng cách có thêm nhiều đơn hàng lớn".

Thị thực làm việc (work visa) cũng là một rào cản lớn cho người nước ngoài khi khởi nghiệp ở Nhật. Có trường hợp nhiều doanh nhân người nước ngoài đã cạn vốn trong lúc đợi cấp visa.

Dù vậy, chương trình thị thực khởi nghiệp (startup visa) mới được đánh giá là dễ xin cấp hơn và hiện có thể được cấp thông qua các chương trình như National Strategic Special Zone, dưới sự kiểm soát của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, theo Nikkei.

Chính phủ trung ương và nhiều địa phương khuyến khích người nước ngoài khởi nghiệp ở mảng công nghệ trong lúc ưu tiên vực dậy các ngành công nghiệp nội địa.

"Tôi bắt đầu nghĩ đến việc khởi nghiệp khi còn học trung học cơ sở", ông Thành chia sẻ. Sinh ra ở thành phố Nam Định, ông Thành nói đã có tình yêu với các thương hiệu Nhật Bản khi xem TV của Sony và lái xe máy của Honda. Do đó, bất chấp việc đỗ đại học và sự phản đối của phụ huynh, ông Thành vẫn quyết định sang Nhật.

Khi theo học trường ngôn ngữ Nhật ở Hiroshima, ông Thành rửa bát tại một khách sạn và nhận làm thêm nhiều công việc tay chân khác để có đủ tiền sinh hoạt. Ông ghi danh vào Đại học Osaka năm 2005 và nhận bằng Thạc sỹ mạng thông tin tại đây.

Sau đó, ông Thành gia nhập Brother Industries, một nhà sản xuất các thiết bị điện và điện tử ở Nagoya, và phát triển phần mềm cho những chiếc máy photocopy bị lỗi trong suốt 6 năm. Sau khi rời Brother, ông bắt đầu thành lập các công ty của riêng mình trong khi tích cực tham gia các hội thảo khởi nghiệp.

Hiện tại, Hachix đang có 8 nhân sự toàn thời gian và bán thời gian. Tất cả nhân sự đều là người Việt với chuyên môn về trí tuệ nhân tạo, hệ thống nhúng và nhiều công nghệ mới khác. "Việc có nhiều chuyên gia là một lý do vì sao chúng tôi có thể phát triển hệ thông nhanh kèm chi phí thấp", ông Thành chia sẻ.

Trong lúc Hachix cũng đang cân nhắc tuyển dụng nhân sự Nhật Bản, startup của ông muốn mở chi nhánh ở Hà Nội và Đà Nẵng. "Chúng tôi muốn giúp người già và người thân của họ", ông Thành nói trong khi chia sẻ dự định phát triển hệ thống y tế của Hachix. Hệ thống này bao gồm các công nghệ như nhận diện khuôn mặt hay kiểm tra thân nhiệt.

Thái Sơn

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định không buông bỏ VinFast và cá nhân tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.