72 dự án của DNNN với tổng vốn 42.700 tỷ đồng có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả
Bộ Kế hoạch & Đầu tư vừa công bố báo cáo Đề án nghiên cứu nâng cao hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp nhà nước.
Theo đó, tính đến ngày 25/8/2017, có 11/22 Bộ, cơ quan ngang Bộ, 1/8 cơ quan thuộc Chính phủ (Đài Truyền hình Việt Nam), 39/63 địa phương, 2/6 Tập đoàn kinh tế (VNPT, VRG), 9 Tổng công ty (Vinafood 1, Vinafood 2, SCIC, Vinataba, Vinalines, SBIC, Vinapaco, Vinacafe, Khánh Việt) đã gửi báo cáo theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Một số Bộ, địa phương quản lý nhiều doanh nghiệp nhà nước như Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, UBND TP. Hà Nội, UBND TP. Hồ Chí Minh; một số Tập đoàn kinh tế là Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Hoá chất, Tập đoàn Viễn thông quân đội, Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Than - Khoáng sản, một số Tổng công ty như Tổng công ty Xi măng, Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Phát triển nhà và đô thị… chưa gửi báo cáo theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đặc biệt trong số này phải nói tới Bộ Công Thương bởi đây là Bộ có 12 dự án thua lỗ gần 63.600 tỷ đồng và khoản nợ phải trả trên 55.000 tỷ đồng (theo báo cáo hồi tháng 4/2017).
Báo cáo cho thấy có khoảng 250 doanh nghiệp nhà nước do các cơ quan này làm đại diện chủ sở hữu đã được rà soát tình hình đầu tư dự án trong giai đoạn 2000-2016, chiếm hơn 31% tổng số doanh nghiệp thuộc diện phải rà soát.
Tổng công Giấy Việt Nam (Vinapaco) có 8 dự án với tổng vốn trên 11.080 tỷ đồng có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả. Ảnh: Vinapaco. |
Thống kê sơ bộ cho thấy, hiện tồn tại 72 dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả với tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng khoảng 42.744 tỷ đồng, tăng hơn 9.000 tỷ đồng so với ban đầu. Trong đó, số lượng dự án của các doanh nghiệp trực thuộc Bộ chiếm hơn phân nửa với tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng trên 22.900 tỷ đồng.
Nổi bật trong số này là Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn với 27 dự án với tổng mức đầu tư gần 910 tỷ đồng, tập trung chủ yếu tại ba doanh nghiệp là Tổng công ty Lương thực Miền Nam, Tổng công ty Cà phê Việt Nam và Công ty TNHH MTV Thuỷ sản Hạ Long. Phần lớn các dự án này đã tạm dừng hoạt động hoặc đang sản xuất nhưng thua lỗ lớn.
Trường hợp của Bộ Giao thông vận tải chỉ có hai doanh nghiệp sở hữu các dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả là Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (SBIC) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), nhưng tổng vốn đầu tư được phê duyệt cuối cùng lên đến gần 15.000 tỷ đồng. Con số này chưa bao gồm dữ liệu của SBIC do đơn vị này đang thực hiện đề án tái cơ cấu theo quyết định của Thủ tướng.
Đối với nhóm tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, trường hợp đáng chú ý nhất là Tổng công Giấy Việt Nam (Vinapaco) với 8 dự án có tổng vốn trên 11.080 tỷ đồng, chiếm hơn một phần tư tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết chưa ghi nhận các dự án đầu tư có dấu hiệu không hiệu quả, nhưng đơn vị này đang vận hành dự án Phóng vệ tinh viễn thông Vinasat-2 với khoản lỗ luỹ kế 1.209 tỷ đồng kể từ thời điểm được phóng lên quỹ đạo vào giữa năm 2012. Dự án có tổng mức đầu tư là 5.462 tỷ đồng. Trong đó, 20% được lấy từ ngân sách tập đoàn, phần còn lại vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam và vay thương mại. VNPT dự kiến nếu khai thác hiệu quả thì thời gian thu hồi vốn là 10 năm, nhưng do doanh thu những năm đầu không đạt kế hoạch nên nhiều khả năng phải kéo dài.
Theo báo cáo của các Bộ, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, nhìn chung các dự án đầu tư có dấu hiệu không hiệu quả là thời gian đầu tư kéo dài nhiều năm, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, dự án đi vào hoạt động nhưng không đảm bảo công suất thiết kế, thua lỗ kéo dài…; tập trung chủ yếu vào lĩnh vực bất động sản, phát triển hạ tầng, nông nghiệp và ở các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty lớn là chính.
Báo cáo cũng đưa ra các dự án cụ thể có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả trên từng lĩnh vực.
Với lĩnh vực bất động sản, phát triển hạ tầng, đầu tư, mở rộng nhà máy, có 14 dự án thuộc Tổng công ty Thành An, Tổng Công ty Thái Sơn (Bộ Quốc phòng), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), Tổng công ty Giấy Việt Nam (Bộ Công Thương). Các dự án này tuy ít về số lượng (chiếm 28% trong tổng số 72 dự án), nhưng tổng mức đầu tư rất cao, trên 29.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 68% trong tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng là 42.744 tỷ đồng của các dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả).
Nguyên nhân chính là do năng lực chủ đầu tư yếu kém trong quá trình đề xuất, lập, thẩm định, triển khai và quản lý dự án, dẫn đến tình trạng đầu tư kéo dài nhiều năm (có dự án kéo dài trên 10 năm), phải điều chỉnh tổng mức đầu tư (14/14 dự án này phải điều chỉnh tổng mức đầu tư). Một số cơ quan quản lý chặt chẽ doanh nghiệp như Bộ Quốc phòng cũng có doanh nghiệp có dự án đầu tư không hiệu quả (5/5 dự án bất động sản với tổng mức đầu tư khoảng 2.900 tỷ đồng là của các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng).
Ngoài ra 7/14 dự án (50% số dự án) nêu trên là các dự án đầu tư mới hoặc mở rộng nhà máy sản xuất thuộc 1 doanh nghiệp là Tổng công ty Giấy Việt Nam (Bộ Công Thương) với tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng khoảng 11.081 tỷ đồng (chiếm 26% trong tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng là 42.744 tỷ đồng của các dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả).
Về lĩnh vực nông nghiệp, có 33 dự án đang trong tình trạng tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ kéo dài, chủ yếu thuộc Tổng công Lương thực Miền Nam, Tổng công ty Cà phê (Bộ NN&PTNT) và UBND TP. Hải Phòng.
Nguyên nhân các dự án này phải tạm dừng hoạt động, hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ kéo dài do năng lực của chủ đầu tư còn nhiều hạn chế, yếu kém trong công tác lập, triển khai và quản lý dự án; trong công tác dự báo biến động của thị trường nông sản trong nước và thế giới.
Ngoài ra, lĩnh vực nông nghiệp có suất đầu tư cao, thời gian đầu tư dài, tỷ suất lợi nhuận thấp, thời gian hoàn vốn dài; phải chịu nhiều rủi ro về thiên tai, rủi ro về môi trường hoặc bệnh tật. Các dự án ra đời trong giai đoạn ngành nông nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức, cạnh tranh gay gắt. Trong khi về thị trường tiêu thụ chưa kịp mở rộng, sản lượng bán ra thấp, chi phí cao, giá thành cao, kinh nghiệm thực tiễn còn hạn chế, dẫn đến lỗ phát sinh kéo dài.
Nói chung về nguyên nhân các dự án trên tất cả các lĩnh vực phải tạm dừng hoạt động hoặc thua lỗ kéo dài, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, là do năng lực của chủ đầu tư còn nhiều hạn chế, yếu kém trong công tác lập, triển khai và quản lý dự án cũng như dự báo biến động của thị trường trong nước và thế giới. Ngoài ra, công tác đàm phán và ký kết hợp đồng với các nhà thầu nước ngoài còn lúng túng, đặc biệt là đối với các dự án có công nghệ hiện đại dẫn đến phát sinh các tranh chấp khó giải quyết. Về khách quan, tác động của diễn biến tỷ giá và lãi suất nằm ngoài dự tính ban đầu cũng làm giảm hiệu quả đầu tư.
Báo cáo Thủ tướng tình hình xử lý 12 dự án ngành Công thương trước ngày 30/9/2017 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Công thương báo cáo tình hình xử lý; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo tình ... |
PVN đưa ra 'phác đồ điều trị' 5 dự án thua lỗ PVN đã hoàn thành công tác rà soát, đánh giá các phương án, giải pháp xử lý các dự án chưa hiệu quả và đưa ... |
PVN muốn bán nhà máy lỗ nghìn tỉ, không được sẽ cho phá sản Trong 5 đại dự án thua lỗ nghìn tỉ, PVN muốn bán Nhà máy đóng tàu Dung Quất, nếu không được sẽ cho phá sản, ... |
12 dự án thua lỗ của Bộ Công Thương: Sắp có 'kịch bản' cụ thể cho từng dự án Trao đổi với DĐDN về 12 dự án thua lỗ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, việc cấp bách lúc này ... |