7 xu hướng thương mại điện tử tại Đông Nam Á năm 2018
E-commerce Việt Nam nhìn từ Đông Nam Á | |
Nhà kho tự động hoàn toàn của tập đoàn thương mại điện tử JD | |
Việt Nam có mức tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất thế giới |
1. Đông Nam Á sẽ là chiến trường của Alibaba và Tencent
Cũng như Trung Quốc cách đây 10 năm, Đông Nam Á đang trở thành mỏ vàng với các đại gia Internet Trung Quốc muốn mở rộng ra thế giới. Năm ngoái, việc Alibaba mua Lazada đã châm ngòi cho cuộc đua giữa công ty này với Tencent.
Năm nay, Alibaba đã dẫn đầu nhóm nhà đầu tư rót 1,1 tỷ USD vào nền tảng thương mại điện tử Tokopedia (Indonesia). Họ được dự đoán biến Lazada và Tokopedia thành Tmall và Taobao của Đông Nam Á.
Trong khi đó, Tencent cũng tăng cường đầu tư vào 3 lĩnh vực thế mạnh mà họ dùng để cạnh tranh với Alibaba tại Trung Quốc - game, di động và thanh toán. Bước đầu tiên là trở thành cổ đông lớn nhất của hãng game Sea (trước đây là Garena) - công ty mẹ của Shopee. Sau đó là đặt cược vào việc ứng dụng đi chung xe của Indonesia - Go Jek có thể trở thành siêu ứng dụng, như WeChat và WeChatPay.
2. Amazon sẽ thâu tóm một công ty để đẩy nhanh hiện diện tại Đông Nam Á
Hồi tháng 7, Amazon đã chính thức ra mắt dịch vụ Prime Now tại Singapore. Dù vậy, họ không để lộ nhiều thông tin về việc có tiếp tục mở rộng tại khu vực Đông Nam Á hay không, đặc biệt là Indonesia và Thái Lan - các thị trường đang bị Alibaba và Tencent đánh chiếm khá nhanh.
Với việc Amazon khó tăng trưởng tự nhiên tại các thị trường Đông Nam Á, công ty này được dự báo có ít nhất một vụ thâu tóm lớn năm 2018 để tăng tốc hiện diện tại đây.
3. Mở thêm cửa hàng truyền thống
Trong khi các hãng bán lẻ truyền thống như Central của Thái Lan và Matahari của Indonesia vội vã lấn sân thương mại điện tử, các hãng thương mại điện tử thuần túy lại được kỳ vọng mở cửa hàng thực. Việc này sẽ giúp họ bù lại chi phí thu hút khách hàng online ngày càng tăng, đồng thời cải thiện tốc độ xử lý đơn hàng và giao nhận.
Dù Đông Nam Á được dự báo là thị trường cho thương mại điện tử bùng nổ, số tài khoản online chỉ đóng góp 1 - 2% tổng bán lẻ hiện tại. Vì thế, nếu các công ty như Lazada hay Shopee muốn tăng trưởng nhanh hơn, họ sẽ phải cân nhắc mở cửa hàng thực. Trên thực tế, trong một hội thảo đầu năm nay, CEO Lazada Group - Max Bittner đã ám chỉ có thể mở cửa hàng ở Indonesia.
4. Các startup thương mại điện tử mới có thể dùng ICO để huy động vốn
Khi Đông Nam Á ngày càng bị thống trị bởi các đại gia như Alibaba và Tencent, các hãng thương mại điện tử nhỏ hơn sẽ tìm đến cách khác để đảm bảo tài chính. Một trong các phương pháp có thể được sử dụng là ICO (phát hành tiền ảo để huy động vốn).
Tại Đông Nam Á, Omise - một startup trong lĩnh vực fintech tại Thái Lan là cái tên tiên phong trong hoạt động này. Họ đã huy động được 25 triệu USD trong vài giờ nhờ ICO hồi tháng 7.
5. Làn sóng sáp nhập
Hãng thương mại điện tử Rakuten (Nhật Bản) đã bán phần lớn tài sản tại Đông Nam Á trong giai đoạn 2015 - 2016. Rocket Internet cũng bán Zalora Thái Lan và Việt Nam năm ngoái. Sang năm nay, họ lại bán mảng kinh doanh tại Philippines cho Ayala Group. Đến năm 2018, với việc Alibaba và Tencent đang cạnh tranh gay gắt để tăng hiện diện tại đây, hoạt động M&A ngành thương mại điện tử cũng được kỳ vọng sôi động.
6. Thị trường sẽ lọc hàng giả, hàng nhái tốt hơn
Từ nhiều năm qua, tăng trưởng thương mại điện tử tại Đông Nam Á tập trung vào tổng giá trị các giao dịch. Các website tìm đủ cách thu hút mọi người bán, mọi thương hiệu. Tuy nhiên, sang năm 2018, các nền tảng thương mại điện tử sẽ tiếp cận các thương hiệu toàn cầu lớn hơn.
Dù vậy, việc này đòi hỏi họ có biện pháp kiểm soát tốt hơn hàng giả, hàng nhái. Các thương hiệu lớn cũng sẽ chú trọng thiết lập hiện diện tại đây theo hướng quản trị trải nghiệm khách hàng và hình ảnh chủ động hơn.
7. Các chợ điện tử và hãng bán lẻ trực tuyến sẽ có sản phẩm thương hiệu riêng
Khi thị trường bão hòa và sáp nhập, các công ty thương mại điện tử sẽ phải tìm cách khác để tăng trưởng. Ví dụ, Lazada đã ra mắt Lazada Marketing Solutions để kiếm doanh thu từ 23 triệu khách hàng tích cực thường niên. Biện pháp này cũng tương tự cách Tmall và Taobao thực hiện tại Trung Quốc.
Ngoài quảng cáo, họ cũng có thể tung ra sản phẩm thương hiệu riêng, như Amazon. Với dữ liệu có được từ hoạt động bán hàng của các bên thứ 3, họ hoàn toàn hiểu được loại sản phẩm nào bán chạy nhất, cho ai, vào lúc nào và ở đâu.