|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

5 thách thức đang chờ ông Tập Cận Bình trong năm 2018

07:00 | 29/12/2017
Chia sẻ
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chứng kiến năm 2017 thành công vượt mong đợi, âm thầm củng cố vị thế cả trong và ngoài nước trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục khiến thế giới “dậy sóng” với các dòng cập nhật Twitter của mình.
5 thach thuc dang cho ong tap can binh trong nam 2018 Phát biểu tại APEC, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đánh giá cao kết quả của một thế giới ngày càng kết nối
5 thach thuc dang cho ong tap can binh trong nam 2018 8 tư tưởng của Chủ tịch Tập Cận Bình có thể thay đổi Trung Quốc

Sau đây là 5 thách thức lớn nhất đang chờ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong năm tới.

5 thach thuc dang cho ong tap can binh trong nam 2018
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nguồn: Bloomberg.

Làm vui lòng tầng lớp trung lưu

Kinh tế Trung Quốc phục hồi trong năm 2017, hướng đến năm tăng trưởng đầu tiên kể từ năm 2010. Tuy nhiên, các nhà kinh tế dự báo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ chững lại trong năm tới và các đợt tăng lãi suất của Mỹ dự kiến sẽ gây thêm khó khăn đối với quyết tâm giảm nợ công của Trung Quốc.

Thách thức lớn nhất với ông Tập trong năm tới là duy trì được sự ủng hộ của người dân khi giải quyết các vấn đề kinh tế tiềm ẩn, bà Susan Shirk, chủ tịch Trung tâm Trung Quốc Thế kỷ 21 tại Đại học California, cho biết.

Các vấn đề có thể khiến tầng lớp này bất mãn là ô nhiễm môi trường, chất lượng giáo dục và kiểm duyệt trên mạng Internet. Kể từ khi ông Tập trở thành một trong những nhà lãnh đạo quyền lực nhất lịch sử Trung Quốc từ Đại hội Đảng lần thứ 19 vừa qua, hàng loạt vấn đề xã hội nổi lên – từ chiến dịch đuổi lao động nhập cư khỏi Bắc Kinh đến việc để những dân nghèo nông thôn co ro trong mùa đông – cho thấy tình hình có thể xấu đi bất cứ lúc nào.

Giữ vững hòa bình

Trung Quốc thực hiện chính sách đối ngoại chủ động hơn trong năm 2017, tìm cách hòa giải căng thẳng giữa Afghanistan và Pakistan, Myanmar và Bangladesh, thậm chí là Israel và Palestine. Với mục đích mở rộng tầm ảnh hưởng kinh tế trên toàn thế giới, Trung Quốc cho thấy sự chủ động và tích cực trong các vấn đề quốc tế dù chưa có nhiều kinh nghiệm giải quyết các tranh chấp lớn.

Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất trong chính sách đối ngoại của ông Tập lại là quốc gia láng giềng Triều Tiên. Đế chế của ông Kim Jong Un ngày càng tiến gần đến năng lực tấn công hạt nhân vào Mỹ và Tổng thống Trump đã dọa chiến tranh với Triều Tiên để dừng tham vọng hạt nhân của nước này. Dù Trung Quốc đã siết chặt các biện pháp trừng phạt Triều Tiên trước áp lực của Mỹ, vẫn có ít khả năng ông Tập sẽ dùng đến vũ lực với người láng giềng của mình.

Tận dụng mối lo ngại của châu Á về ông Trump

Việc ông Trump tập trung giảm thâm hụt thương mại với các quốc gia châu Á trao cho Trung Quốc cơ hội thắt chặt quan hệ với khu vực này. Năm 2017, Trung Quốc cải thiện quan hệ với Myanmar, Singapore, Việt Nam và Philippines – các quốc gia mà nước này từng “lạnh nhạt”.

Tuy nhiên, Trung Quốc đang mạo hiểm với chính sách của mình. Bất kỳ sự áp bức kinh tế nào với nước khác nhằm đạt các mục tiêu địa chính trị cũng sẽ triệt tiêu thiện chí trước đó của Trung Quốc. Truyền thông cho biết nước này tiếp tục cấm công dân du lịch đến Hàn Quốc do bất đồng về hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Trong năm 2018, Trung Quốc sẽ nỗ lực cải thiện quan hệ kinh tế với Đông Nam Á nhằm xoa dịu các nước về vấn đề Biển Đông.

5 thach thuc dang cho ong tap can binh trong nam 2018
Ông Tập phát biểu tại APEC CEO Summit ngày 10/11 tại Đà Nẵng. Nguồn: Nyein Chan Naing/Pool/Reuters.

Giữ một cái đầu lạnh

Thái độ “điềm tĩnh chiến lược” của Trung Quốc trước các dòng cập nhật Twitter của Tổng thống Donald Trump tỏ ra có hiệu quả. Dự báo về cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã không thành hiện thực khi ông Tập và ông Trump nhiều lần dành cho nhau những lời có cánh trong các cuộc gặp tại Florida, Hamburg và Bắc Kinh. Tuy nhiên, ông Trump mới đây đã gọi Trung Quốc là quốc gia “theo chủ nghĩa xét lại” và đang thách thức tầm ảnh hưởng của Mỹ trên toàn cầu.

Năm 2018 có thể sẽ căng thẳng hơn với đe dọa ngày càng lớn từ Triều Tiên và thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc tiếp tục nới rộng. Mỹ tiến hành điều tra Trung Quốc về việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và đây có thể là cơ sở để Mỹ áp dụng các chính sách trừng phạt với Trung Quốc.

Duy trì hình ảnh của một nhà cải cách

Năm 2018 đánh dấu 40 năm cải cách kinh tế tại Trung Quốc. Ông Tập đã đưa ra nhiều chính sách lớn ngay sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai trong tháng 10, trong đó có quy định nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng và công ty chứng khoán nước này.

Trong suốt 5 năm ông Tập lãnh đạo Trung Quốc, nhiều người vẫn tranh cãi liệu ông là một nhà cải cách thị trường hay một người theo chủ nghĩa dân tộc. Với quyền lực tuyệt đối, ông Tập sẽ cho thế giới thấy ông sẽ mở rộng cửa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đến mức nào trong nhiệm kỳ thứ hai của mình.

“Ta có thể thấy cải cách giúp nền kinh tế nhà nước vận hành hiệu quả hơn, nhưng không hẳn sẽ khiến nó tự do hơn”, ông Trey McArver, đồng sáng lập hãng nghiên cứu Trivium China, cho biết.

Trường Giang