5 lưu ý khi đầu tư chứng quyền có bảo đảm
Điểm danh những cổ phiếu đủ chuẩn làm chứng khoán cơ sở cho Covered warrant | |
SSC ban hành Quy chế Hướng dẫn chào bán và phòng ngừa rủi ro Chứng quyền có bảo đảm |
Chiều ngày 5/2, tại hội thảo về “Sản phẩm chứng quyền có bảo đảm’’, ông Nguyễn Địch Thanh, Phó giám đốc Phòng Nghiên cứu Phát triển thuộc Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM đã trình bày các điểm mà nhà đầu tư cần lưu ý khi tham gia giao dịch sản phẩm mới này.
ông Nguyễn Địch Thanh, đại diện Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM |
Thứ nhất, tính chất đòn bẩy của chứng quyền. Chứng quyền có bảo đảm là công cụ tài chính có thể giúp nhà đầu tư tăng suất sinh lợi nhưng đồng thời làm tăng tỷ lệ lỗ cho nhà đầu tư khi chứng khoán cơ sở biến động ngược chiều với nhận định của nhà đầu tư.
Nói cách khác, chứng quyền sẽ nhạy cảm hơn đối với các thông tin tốt, xấu của chứng khoán cơ sở và theo đó, mức sinh lời, rủi ro đối với chứng quyền cũng cao hơn.
Thứ hai, vòng đời giới hạn. Khác với chứng khoán cơ sở, chứng quyền luôn có vòng đời hữu hạn. Do đó vào thời điểm đáo hạn, nhà đầu tư sẽ không tiếp tục nắm giữ chứng quyền có bảo đảm như đầu tư cổ phiếu mà sẽ được thanh toán tiền hoặc mất khoản phí mua chứng quyền ban đầu.
Mặc dù khả năng thua lỗ xấu nhất đã được xác định tối đa bằng chi phí bỏ ra ban đầu để mua chứng quyền, tuy nhiên việc mất toàn bộ số tiền đã đầu tư vẫn có thể còn mới lạ đối với đa số các nhà đầu tư không chuyên tại Việt Nam - vốn chỉ quen với việc đầu tư vào cổ phiếu, loại chứng khoán không có thời hạn và có quyền tự quyết đối với ngày chốt lời, cắt lỗ.
Để đảm bảo quyền lợi của mình, trước khi tiến hành đầu tư, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ thông tin về chứng quyền tại bản cáo bạch do tổ chức phát hành thực hiện, gồm các thông tin như chứng khoán cơ sở, thời gian đáo hạn, kiểu thực hiện quyền (châu Âu hay Mỹ), phương thức thanh toán (tiền mặt hay chuyển giao chứng khoán cơ sở), nghĩa vụ khác của tổ chức phát hành.
Thứ ba, một số nhân tố tạo nên giá trị của chứng quyền có bảo đảm, có thể bị mất giá theo thời gian dẫn đến việc sụt giảm giá của chứng quyền có bảo đảm, do đó nhà đầu tư không nên xem chứng quyền có bảo đảm là sản phẩm có thể mua và giữ dài hạn.
Thứ tư, nhà đầu tư chỉ được thực hiện quyền khi chứng quyền có lãi và việc thanh toán bằng chứng khoán cơ sở hoặc tiền mặt là tùy thuộc vào điều kiện phát hành và loại chứng khoán cơ sở. Trong trường hợp nhà đầu tư không đặt lệnh thực hiện quyền thì chứng quyền sẽ tự động thực hiện theo phương thức thanh toán bằng tiền vào ngày đáo hạn. Nhà đầu tư cần chú ý các trường hợp chứng quyền bị bắt buộc thanh toán bằng tiền khi đáo hạn được quy định tại Điều 14, Thông tư 107/2016/TT-BTC.
Trường hợp thanh toán bằng tiền thì giá thanh toán chứng quyền khi thực hiện quyền sẽ do Sở giao dịch chứng khoán quy định công thức xác định.
Thứ năm, chứng quyền có bảo đảm là một hợp đồng giữa tổ chức phát hành và người sở hữu, tổ chức phát hành có nghĩa vụ thanh toán hoặc chuyển giao chứng khoán cơ sở khi người sở hữu có yêu cầu thực hiện quyền. Vì vậy, trong suốt thời gian chứng quyền có bảo đảm lưu hành đến lúc đáo hạn nếu tổ chức phát hành bị mất khả năng thanh toán hoặc bị phá sản sẽ dẫn đến rủi ro cho người sở hữu chứng quyền có bảo đảm.
Ngoài ra, biến động của chứng khoán cơ sở cũng tác động trực tiếp đến giá của chứng quyền có bảo đảm. Khi yếu tố dẫn đến sự tăng mức độ biến động của chứng khoán cơ sở thì giá của chứng quyền có bảo đảm sẽ tăng và ngược lại.
Theo nguồn tin từ Sở GDCK TP HCM (HOSE), sản phẩm chứng quyền có bảo đảm dự kiến sẽ chính thức được triển khai vào cuối tháng 3/2018. |