|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

3 đặc khu kinh tế sẽ có thể chế vượt trội?

09:25 | 15/04/2018
Chia sẻ
Trong khi thế giới đã có đặc khu từ lâu, sân chơi mới này ở Việt Nam mới đang trong thời kỳ “thai nghén”, được kỳ vọng tạo làn sóng đầu tư mạnh mẽ.

Chia sẻ về dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Việt Nam đang xây dựng Luật với mong muốn tạo ra sân chơi mới với cơ chế vượt trội, thu hút đầu tư, cạnh tranh với nước ngoài trong khi Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế với 20 hiệp định thương mại tự do.

Ông Đông cho rằng, đây là một dự án Luật khó, và mặc dù trên thế giới, đặc khu đã có từ rất lâu nhưng ở Việt Nam sân chơi mới này mới đang trong thời kỳ “thai nghén”, bao gồm ba đặc khu gồm Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).

3 dac khu kinh te se co the che vuot troi

Dù vẫn đang trong thời kỳ chờ thông qua cơ chế nhưng các đặc khu kinh tế đã thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đến tìm hiểu cơ hội đầu tư. (Ảnh minh họa: Đảo ngọc Phú Quốc, Kiên Giang).

Ba đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt này được kỳ vọng sẽ đem lại những đột phá mới trong phát triển kinh tế nhờ hàng loạt các ưu đãi vượt trội đối với các nhà đầu tư, trong đó phải kể đến ưu đãi thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt. Bên canh đó, các nhà đầu tư tại đặc khu còn được hưởng ưu đãi thuế xuất - nhập khẩu, miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước...

Vụ trưởng Vụ Quản lý khu kinh tế Trần Duy Đông nhấn mạnh: Về phương án giao đất và cho thuê đất, phương án được Chính phủ đề xuất vẫn là 99 năm, nhưng chỉ đối với rất ít dự án do Thủ tướng quyết định đầu tư. Ngoài ra, dự thảo Luật tiếp tục hoàn thiện thêm những chính sách mới, được sự đồng thuận của Ủy ban Pháp luật Quốc hội như: Khu thương mại tự do, khu thương mại tự do gắn với sân bay để cạnh tranh, vấn đề công chức hợp đồng tại đặc khu, đất đai…

3 dac khu kinh te se co the che vuot troi
Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) còn khá hoang sơ. (Ảnh minh họa: KT)

Tại Hội thảo về đặc khu kinh tế và các cơ hội đầu tư được tổ chức tại Hà Nội mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, một trong những biện pháp trọng tâm mà Việt Nam đã và đang thực hiện đó là phát huy cực tăng trưởng với việc xây dựng 3 đặc khu kinh tế với thể chế vượt trội, khả năng cạnh tranh quốc tế.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh, các doanh nghiệp và các nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng tại các đặc khu bởi thể chế hành chính hiện đại, ổn định, cơ chế, chính sách ưu đãi cạnh tranh quốc tế ở mức cao nên khả năng thu hồi vốn nhanh.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cho rằng, vị thế và thương hiệu doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh tại đặc khu cũng được nâng cao, các doanh nghiệp và nhà đầu tư có điều kiện tiếp cận với kỹ năng quản trị tiên tiến hiện đại và thành tựu khoa học công nghệ mới.

3 dac khu kinh te se co the che vuot troi
Đặc khu kinh tế Vân Đồn đang dần hình thành.

Riêng đối với Vân Đồn, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh, lưu ý, để đặc khu này trở thành điểm thu hút đầu tư chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh với các đặc khu khác trong khu vực và trên thế giới, cần thay đổi một cách mạnh mẽ các thể chế áp dụng ở Vân Đồn và tạo nguồn nhân lực tri thức và năng lực cao với những cải cách tập trung vào bộ máy hành chính tinh giản, gọn nhẹ, thẩm quyền của Trưởng Đặc khu và Hội đồng Đặc khu vượt trội, phù hợp với nhu cầu phát triển, đồng thời có cơ chế giám sát hiệu quả.

Các chính sách ưu đãi đầu tư tuân thủ nguyên tắc tăng trưởng xanh, bền vững. Các cơ chế khác biệt được áp dụng theo nguyên tắc tự do, bình đẳng trong đầu tư, đảm bảo nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, nâng cao chất lượng nhân lực, thu hút lao động và cư trú cũng như cải thiện môi trường kinh doanh với các biện pháp về loại hình doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Tuấn nêu quan điểm.

Một số ngành, nghề ưu tiên phát triển tại đặc khu:

Tại đặc khu Vân Đồn ưu tiên phát triển công nghệ cao; công nghiệp hỗ trợ công nghiệp công nghệ cao; du lịch và công nghiệp văn hóa; cảng hàng không, cảng biển, thương mại.

Tại đặc khu Bắc Vân Phong ưu tiên phát triển công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí chính xác; cảng biển; du lịch, khách sạn; trung tâm thương mại - tài chính.

Tại đặc khu Phú Quốc ưu tiên phát triển du lịch, khách sạn; thương mại, hội nghị, triển lãm, quản lý tài sản; y tế, giáo dục, nghiên cứu và phát triển./.

Trần Ngọc