|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

16 sự kiện nổi bật của ngành thủy sản năm 2016

09:17 | 09/01/2017
Chia sẻ
Năm 2016 được đánh giá là một năm với nhiều biến động và căng thẳng cho DN XK thủy sản Việt Nam. Sau 3 năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, toàn ngành đã có bước chuyển tích cực nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu rõ nét.
16 su kien noi bat cua nganh thuy san nam 2016
Ước tính tổng XK thủy sản của năm 2016 đạt 7,1 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2015. (Nguồn: VASEP)

Sản xuất và XK trong năm qua vẫn còn nhiều bấp bênh bên cạnh yếu tố thị trường chi phối. Ước tính tổng XK thủy sản của năm 2016 đạt 7,1 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2015. Mặc dù, XK vẫn tăng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong năm mới 2017.

Nhìn lại năm 2016, Ban biên tập xin được đưa ra 16 sự kiện nổi bật nhất của ngành.

1.Sự cố ô nhiễm môi trường Formosa ảnh hưởng đến sản xuất, XK

Đầu tháng 4/2016, suốt một dải bờ biển miền Trung 200km cá biển chết hàng loạt. Chất thải của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã hủy diệt hệ sinh thái một vùng đáy biển và gây thiệt hại nặng nề đến mọi mặt kinh tế của 4 tỉnh miền Trung. Tính riêng với ngành thủy sản, sự cố môi trường này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất thủy sản của ngư dân và DN. Sức ép của thị trường NK với DN thủy sản Việt Nam ngày càng lớn. Trước khó khăn này, ngày 23/8/2016, VASEP đã gửi Công văn số 132/2016/CV-VASEP tới Chính phủ, Bộ NN và PTNT và Bộ Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp chế biến XK thủy sản và ngư dân 4 tỉnh miền Trung khôi phục sản xuất.

2.Thuế chống bán phá giá lần thứ 11 (POR11) đối với cá tra cao

Ngày 29/3/2016, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố Quyết định cuối cùng đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 11 (POR11) cho giai đoạn từ ngày 01/8/2013 đến 31/7/2014 đối với sản phẩm cá tra, basa nhập khẩu từ Việt Nam. Trong kết luận cuối cùng, DOC xác định mức thuế cuối cùng: Hai DN bị đơn bắt buộc là 0,41 USD/kg, và 0,97 USD/kg; mức thuế cho 14 DN bị đơn tự nguyện là: 0,69 USD/kg và mức thuế suất toàn quốc vẫn là 2,39 USD/kg. Do mức thuế quá cao nên chỉ có 2-3 DN cá tra lớn bám trụ lại thị trường Mỹ.

3.Hạn hán và xâm ngập mặn ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản

Nửa đầu năm 2016, ĐBSCL bị tác động nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu. Mặn tiến sâu vào đất liền: 90-93 km (sông Vàm Cỏ); 45-65 km (sông Tiền) 55-60 km (sông Hậu) 60-65 km (sông Cái Lớn). Tình hình hạn hán, thiếu nước ngọt và xâm ngập mặn diễn biến nghiêm trọng ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động sản xuất thủy sản nhất là các loài nuôi nước ngọt. Tỷ lệ cá chết tăng do ảnh hưởng của nước mặn. Diện tích và mật độ thả nuôi cá giảm. Người nuôi tôm cũng cầm chừng hoặc chủ yếu tập trung nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến.

Theo Bộ NN và PTNT, ước tính tổng thiệt hại toàn ngành do thiên tai trong năm vừa qua lên đến 37.650 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD) - đây là con số cao nhất từ trước tới nay.

4. Giá cá tra xuống mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây

Trong năm 2016, giá cá tra tại ĐBSCL lên xuống thất thường, thậm chí nhiều thời điểm bị loạn giá. Đặc biệt, tháng 8-9/2016, thị trường xuất khẩu giảm, việc tiêu thụ khó khăn, giá cá tra nguyên liệu giảm, thấp hơn giá thành sản xuất là các khó khăn mà người nuôi cá tra đang phải đối mặt. Giá cá tra thịt trắng (loại 0,7 – 0,8 kg/con) thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015 là 800 – 1.000 đồng/kg và thấp hơn so với những tháng đầu năm 2016 từ 5.000 – 1.000 đồng/kg. Đây là mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.

5. Thuế chống bán phá giá cho sản phẩm tôm tại Mỹ tăng cao

Ngày 7/9/2016, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận cuối cùng của đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá tôm lần thứ 10 (POR10) cho giai đoạn từ ngày 01/02/2014 đến ngày 31/01/2015. So với mức thuế cuối cùng của POR9 công bố trước đó, mức thuế cuối cùng của POR10 đã bị tăng lên đáng kể, từ 0,91% tới 4,78% đối với cả công ty bị đơn bắt buộc và tự nguyện.

6. Xuất khẩu tôm 2016 đảo chiều đi lên so với năm 2015

Từ tăng trưởng âm 25,3% trong năm 2015. Ngay từ đầu năm 2016, XK tôm đảo chiều đi lên và duy trì tốc độ tăng trưởng dương trong suốt cả năm 2016 từ 0,1 - 12,3% (trừ tháng 5/2016). Ước cả năm 2016, tổng giá trị XK tôm đạt 3,15 tỷ USD, tăng 7% so với năm ngoái. Trong đó, tôm chân trắng chiếm 61%, tôm sú chiếm gần 31%, tôm biển khác chiếm 8%.

7. Trung Quốc vượt EU trở thành thị trường XK cá tra lớn thứ 2:

Sau 8 tháng liên tiếp, giá trị XK cá tra sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng không ngừng, tháng 8 và 9/2016, XK cá tra sang thị trường Trung Quốc đã đạt mức đỉnh 30,9 triệu USD và 30 triệu USD. Tính đến hết tháng 9/2016, tổng giá trị XK cá tra sang thị trường Trung Quốc – Hong Kong đạt 201,9 triệu USD, tăng 75,6% so với cùng kỳ năm trước. Sau nhiều tháng tăng trưởng không ngừng, Trung Quốc đã vượt EU trở thành thị trường XK cá tra lớn thứ 2 của Việt Nam.

8. Doanh nghiệp lúng túng khi thực hiện Chương trình thanh tra cá da trơn:

Cuối năm 2015, Bộ Nông nghiệp Mỹ thông báo về việc triển khai Chương trình thanh tra cá da trơn NK. Kể từ tháng 3/2016, chương trình này chính thức có hiệu lực. Ngày 25/5/2016, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua việc bỏ chương trình thanh tra cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Với 55 phiếu bầu thuận và 43 phiếu bầu chống, Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua nghị quyết (Res SJ. 28), hủy bỏ Chương trình Giám sát cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Phấp phỏng với tin vui này không lâu thì DN XK cá tra Việt Nam lại nhận được tin buồn: chương trình thanh tra vẫn tiếp tục và không còn cách nào khác là phải thích nghi. Trong giai đoạn đầu, các DN không khỏi lúng túng.

9. Tăng lương tối thiểu vùng, tăng gánh nặng cho DN:

Ngày 14/11/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định 153/2016/NĐ-CPquy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017.

Việc tăng lương tối thiểu vùng bắt đầu từ 01/01/2017 tiếp tục đè nặng thêm đôi vai của các DN XK thủy sản. Trong suốt năm 2016, VASEP đã cùng VCCI, Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiến nghị liên tiếp với Quốc hội, Chính phủ, Bộ Lao động và Thương binh xã hội cân nhắc việc không tăng lương tối thiểu vùng năm 2017.

10. Quy định mới của Mỹ: muốn xuất cá ngừ, phải bảo vệ cá heo:

Đầu năm 2016, Cục Nghề cá Biển Quốc gia Mỹ (NMFS) có quy định mới, để cá ngừ có đủ điều kiện dán nhãn “an toàn cá heo” thì phải có văn bản báo cáo của thuyền trưởng của tàu khai thác xác nhận rằng không có lưới vây hay thiết bị khai thác nào khác cố ý được sử dụng để bao vây cá heo trong suốt chuyến đi đánh bắt cá ngừ và không có con cá heo nào bị giết hoặc bị thương nghiêm trọng trong các lần đánh bắt hay sử dụng các thiết bị để đánh bắt cá ngừ. Thuyền trưởng bắt buộc phải có Chứng chỉ hoàn tất khóa học này cho tất cả các chuyến đi đánh cá bắt đầu từ ngày 21/5/2016 trở đi.

11. Sửa Nghị định 36 về cá tra:

Tháng 7/2016, Bộ NN và PTNT đã đề xuất sửa Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra, trong đó đáng chú ý nhất là việc không quy định về tỷ lệ mạ băng và hàm lượng nước trong sản phẩm cá tra, đồng thời bỏ việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu qua Hiệp hội cá tra Việt Nam. Tại Quyết định 2026/QĐ-TTg phê duyệt Đề án giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải sửa đổi Nghị định 36/2014/NĐ-CP theo hướng đề xuất sửa đổi biện pháp quản lý để thay thế quy định hiện hành về xác nhận hợp đồng trước khi xuất khẩu cá tra nhằm giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Thời hạn yêu cầu hoàn thành là quý I/2016, song, đến nay dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 36/2014/NĐ-CP vẫn đang được xây dựng

12. Công bố nước mắm chứa Arsen gây hại cho cả ngành nước mắm truyền thống:

Ngày 17/10/2016, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) và Liên Hiệp hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã công bố kết quả trong đợt khảo sát nước mắm trên toàn quốc và kết luận 101/150 mẫu nước mắm được khảo sát (chiếm 67,33%) không đạt quy định về hàm lượng Arsen tổng (thạch tín) cho phép có trong sản phẩm nước chấm tối đa là 1.0mg/L theo quy định của Bộ Y tế. Công bố này đã gây hoang mang trong dư luận và cộng đồng người tiêu dùng, ảnh hưởng đến uy tín và sự sống còn của các nhà sản xuất nước mắm truyền thống. Trước tình hình đó, VASEP đã cùng các Hiệp hội sản xuất nước mắm truyền thống và một số doanh nghiệp sản xuất nước mắm ở miền Bắc họp để đánh giá thiệt hại của ngành sản xuất nước mắm truyền thống Việt Nam, thống nhất những giải pháp để bảo vệ và phát triển nước mắm truyền thống.

13. Chính phủ đồng ý miễn kiểm tra với nguyên liệu thực phẩm nhập sản xuất xuất khẩu:

Ngày 05/12/2016, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2016. Theo đó, Chính phủ thống nhất cho phép doanh nghiệp được miễn kiểm tra Nhà nước về an toàn thực phẩm, công bố hợp quy và công bố sự phù hợp quy định an toàn thực phẩm, miễn ghi nhãn tiếng Việt Nam đối với thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam chỉ dùng để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu, không tiêu thụ tại thị trường trong nước.

Đây cũng là một trong những kiến nghị lớn của các DN XK thủy sản trong suốt hai năm qua.

14. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm:

Ngày 13/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2419/QÐ-TTg phê duyệt Đề án ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất. Mục tiêu đến hết năm 2018, cơ bản chấm dứt tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu tại các tỉnh trọng điểm và trên phạm vi cả nước. Suốt hơn 10 năm qua, bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu nhằm mục đích gian lận đã trở thành vấn nạn kinh tế của vùng ĐBSCL.

15. Thị trường nhập khẩu tăng cường hệ thống kiểm soát chất lượng:

Trong năm 2016, tại một số thị trường lớn như: Nhật Bản, EU, Australia đã gia tăng hệ thống cảnh báo và kiểm soát chất lượng đối với sản phẩm thủy sản NK.

Nhật Bản duy trì tần suất kiểm tra 100% các chỉ tiêu Furazolidone, Enrofloxacin và Sulfadiazine đối với các lô hàng tôm NK từ Việt Nam. Tuy nhiên, theo quy định mới của Luật Vệ sinh thực phẩm của Nhật Bản, từ tháng 10/2016, Nhật Bản loại bỏ ra khỏi danh sách giám sát các chất Sulfamethoxazole, Sulfadiazine và Chloramphenicol trong tôm nuôi Việt Nam. Australia tăng cường kiểm tra về độc tố sinh học và vi sinh. EU cũng tăng cường cảnh báo dư lượng kim loại nặng (thủy ngân, cadmium).

16. XK cá ngừ hồi phục sau 3 năm sụt giảm:

Sau 3 năm sụt giảm liên tiếp, XK cá ngừ của Việt Nam năm 2016 đã phục hồi đặc biệt tăng mạnh từ cuối quý II. Năm 2016, tổng XK cá ngừ ước đạt 500 triệu USD, tăng 9% so với năm 2015. Các DN đẩy mạnh XK các sản phẩm loin cá ngừ đông lạnh (HS0304) và loin cá ngừ hấp chín (HS16), trong khi XK cá ngừ tươi và cá ngừ hộp tiếp tục giảm. Trong đó, 2 sản phẩm XK nhiều nhất là cá ngừ loin đông lạnh chếm tỷ trọng cao nhất 47%, cá ngừ đóng hộp chiếm 30%, các sản phẩm khác chỉ chiếm 23%.

Tạ Hà