'10 năm tới chúng ta phải chấp nhận tốc độ kiếm tiền không nhanh bằng tốc độ tăng giá nhà'
Tại Hội thảo “Chu kỳ khủng hoảng và cơ hội đầu tư bất động sản” do Báo Thanh Niên tổ chức sáng nay, hầu hết các chuyên gia đều đồng tình rằng khó có thể xảy ra “bong bóng” bất động sản (BĐS) trong thời gian tới. Dù vậy, thị trường đúng là đang có những dấu hiệu chững lại, vậy nhà đầu tư (NĐT) nên đầu tư vào đâu và bỏ tiền như thế nào?
Thị trường BĐS có chu kỳ 4 năm/lần xuất hiện sự tăng - giảm nhu cầu mua nhà hoặc dịch chuyển đầu tư từ dòng sản phẩm BĐS này sang dòng sản phẩm khác. (Ảnh: Hiếu Quân) |
Trả lời cho câu hỏi này, chuyên gia độc lập Huỳnh Phước Nghĩa phân tích, có hai cách phân loại chu kỳ BĐS. Một là chu kỳ thị trường BĐS ảnh hưởng từ diễn biến của các lĩnh vực khác như kinh tế, tài chính tiền tệ, nợ công, trong ngắn hạn sắp tới thị trường BĐS Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố này.
“Tôi muốn nhấn mạnh là loại chu kỳ BĐS đến từ sự tăng – giảm trực tiếp nhu cầu tiêu dùng của khách hàng. Nghĩa là sản phẩm BĐS có giao dịch hay không? sự dịch chuyển đầu tư từ dòng sản phẩm này sang dòng sản phẩm khác (từ bán lẻ sang đất nền, từ đất nền sang chung cư…). Chu kỳ này thường 4 năm sẽ có dấu hiệu rõ ràng”, ông Huỳnh Phước Nghĩa nói.
Tiếp tục nói về các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi mua nhà của khách hàng, ông Nghĩa chia sẻ kết quả nghiên cứu cá nhân và chỉ rõ đó là giá và chính sách khuyến mãi.
“Việt Nam đang trong thị trường BĐS mới nổi. 10 năm tới chúng ta phải chấp nhận quy luật của thị trường BĐS mới nổi là tốc độ kiếm tiền không nhanh bằng tốc độ tăng giá và giá nhà trong tương lai. Vì vậy, cần có dự báo dài hạn 10 năm về dịch chuyển tiêu dùng. NĐT nên tập trung vào dự báo sự thay đổi về hành vi tiêu dùng của khách hàng bởi trước nay nghiên cứu khủng hoảng từ tác động vĩ mô nhiều nhưng nghiên cứu khủng hoảng từ hành vi tiêu dùng ít được chú trọng”, chuyên gia Nghĩa đưa ra lời khuyên.
Vị này nói thêm, kinh doanh BĐS tuân theo quy luật luôn lên và xuống, người kinh doanh BĐS ở khía cạnh đầu tư không nên quá lo lắng về xu hướng thị trường mà nên chú trọng đến danh mục sản phẩm đầu tư thì hơn. Giao dịch trên thị trường bị chậm lại, giảm đi hay dừng hẳn… đều chỉ có tính cục bộ theo dự án ở cấp tỉnh, thành phố, khu đô thị… mà thôi.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc CTCP BĐS Đại Phúc Land cũng cho rằng hiện các giao dịch của doanh nghiệp chỉ “trầm lắng” so với trước đó thôi chứ không hề bị khủng hoảng hay “đóng băng”.
“Công ty chúng tôi đã hoàn thành được 70% kế hoạch kinh doanh cả năm chỉ sau 6 tháng. Thực tế, nguồn cung luôn thiếu so với cầu, cung chỉ mới đáp ứng khoảng 10 - 15% nhu cầu. Vấn đề là làm sao giảm được chi phí đầu vào và đáp ứng được các nhu cầu ngày càng cao về tiện ích của dự án”, bà Hương nói.
Vị này cho biết thêm, các NĐT nước ngoài cũng đang rất quan tâm, tin tưởng vào kinh tế và môi trường đầu tư của Việt Nam nói chung và các dự án BĐS nói riêng. Vì vậy, doanh nghiệp BĐS vẫn cần sự ổn định về các chính sách vĩ mô, trong đó, việc giảm chi phí và thời gian triển khai dự án là yếu tố quan trọng để giảm giá thành sản phẩm BĐS…