|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Góc nhìn nhà phân tích về biến động của chứng khoán Việt Nam trong tháng ‘sell in May'

15:11 | 03/05/2024
Chia sẻ
Theo góc nhìn của nhà phân tích, tháng 5 thường thiếu vắng yếu tố thông tin, thanh khoản thấp, là đặc điểm có tính chu kỳ.

Thị trường chứng khoán (TTCK) thường biến động biên độ hẹp trong tháng 5. Theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP HCM của Công ty Chứng khoán DSC và ông Nguyễn Huy Bằng, Giám đốc Chi nhánh Vũng Tàu của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), đây là lúc nhà đầu tư nên dành nhiều thời gian đánh giá doanh nghiệp trên khía cạnh cơ bản.

-Thị trường chứng khoán Việt Nam đã xuất hiện rung lắc mạnh trong tháng 4 trước khi bước qua tháng 5. Một số nhà đầu tư đang có tâm lý lo ngại hiệu ứng “sell in May”. Ông đánh giá như thế nào về ý kiến này? Nhận định thị trường giai đoạn hiện tại?

Ông Bùi Văn Huy: "Sell in May" hàm ý thị trường thông thường sẽ có đợt điều chỉnh mạnh sau quãng tăng giá đầu năm khi bước vào giai đoạn trống thông tin. Nhịp điều chỉnh có thể diễn ra sớm hơn hoặc muộn hơn chứ không nhất thiết rơi vào đúng tháng 5.

TTCK Việt Nam đã có nhịp rơi khoảng 10% nếu tính từ đỉnh gần nhất cho đến đây chỉ trong vỏn vẹn vài tuần và mức độ giảm điểm khá mạnh ở nhiều nhóm cổ phiếu. Hiện tại là lúc xem xét bối cảnh để xem vùng đây thị trường đã được xác lập hay chưa và thị trường còn duy trì được động lực tăng giá trung và dài hạn hay không.

Tóm lại "sell in May" là một câu nói phổ biến nhưng không cần quá áp lực trong tháng 5. Nhà đầu tư cứ xem đây là thời điểm để đánh giá lại danh mục để phù hợp với diễn biến sắp tới.

Diễn biến thị trường qua các năm. (Nguồn: Ông Bùi Văn Huy cung cấp).

Ông Nguyễn Huy Bằng: “Sell in May and Go Away, and come on back on St. Leger’s Day”, nghĩa là Hãy bán cổ phiếu trong tháng 5 rồi đi chơi, và quay trở lại vào ngày lễ Thánh Leger (tháng 9). Câu nói này theo nhiều tài liệu nhắc tới thì từ thế kỷ 18, khi đó không có nhiều th trường chứng khoán. Các nhà đầu tư có áp dụng và thống kê có hiệu quả trước năm 1945, sau này gần như không còn nhiều hiệu quả.

 Ông Nguyễn Huy Bằng, Giám đốc Chi nhánh Vũng Tàu của VDSC. (Ảnh: NVCC).

Tuy nhiên, mỗi khi thị trường trải qua giai đoạn khó khăn, nhà đầu tư lại gợi nhớ đến câu nói này. Giai đoạn hiện nay cũng là thời điểm tương tự.

Nhìn lại dữ liệu lịch sử VN-Index trong 6 năm gần nhất, xác suất tăng trong tháng 5 là 50%, bình quân tăng 7,34%, xác suất giảm là 50% và tỷ lệ giảm bình quân là -5%. Như vậy kết quả cho thấy không có tính mùa vụ hay quy luật trong 6 năm gần nhất, và hiệu quả vẫn cho thấy tích cực khi mức tăng bình quân nhỉnh hơn 2,34%. Tuy nhiên, với xác suất 50%, chúng ta cũng thấy được đây là giai đoạn không dễ để tìm ra các cơ hội đầu tư.

Phân tích sâu hơn tại 3 nhóm ngành lớn, ngân hàng và chứng khoán cùng cho xác suất tăng/giảm là 50% trong khi nhóm bất động sản xác xuất giảm là 63%.

Sau mùa họp ĐHĐCĐ diễn ra vào tháng 3-4, các doanh nghiệp đón nhận những kế hoạch kinh doanh, cổ tức, phát hành, các kỳ vọng trong năm tài chính mới. Theo đó, tháng 5 thường là vùng trũng thông tin, thanh khoản thấp, ít tin tức là đặc điểm có tính chu kỳ. Thị trường biến động biên độ hẹp.

Và tháng 5 năm nay có vẻ tính chu kỳ về thông tin đang lặp lại, các thông tin về doanh nghiệp đã được cập nhật nhiều vào tháng 3-4, tin tức vĩ mô trong và ngoài nước không có nhiều thông tin tích cực mới hơn. Thị trường có xu hướng tích lũy phân hóa ở nhiều nhóm ngành và cổ phiếu, giao dịch trở nên thận trọng hơn.

-Tháng 5, ông dự báo thị trường chứng khoán sẽ diễn biến theo kịch bản nào? Những thông tin quan trọng nào nhà đầu tư cần chú ý theo dõi?

Ông Bùi Văn Huy: Thị trường bắt đầu tháng 5 với không nhiều thông tin hỗ trợ và có thể nói là nhiều thông tin tiêu cực.

Đối với quốc tế, những diễn biến liên quan đến quan điểm của Fed về lãi suất và sức mạnh của đồng USD sẽ là quan tâm hàng đầu. Sau phiên họp tháng 5 của Fed, mọi thứ có vẻ đang hạ nhiệt. Nếu như xung đột ở dải Gaza không nóng trở lại gây sức ép lên thị trường hàng hóa, khả năng tình hình sẽ không tệ đi.

Trong nước, câu chuyện tỷ giá và diễn biến lãi suất sẽ cần được quan sát. Đối với tỷ giá, nếu đồng USD hạ nhiệt, đó sẽ là “món quà” cho thị trường. Lãi suất huy động trong nước cũng bắt đầu nhích nhẹ và nhiều ý kiến cho rằng có khả năng cần tăng lãi suất điều hành để bớt áp lực tỷ giá và theo xu hướng lạm phát đang tăng.

Tuy nhiên theo tôi, trong ngắn hạn, áp lực tỷ giá chưa đến mức phải tăng lãi suất điều hành, trong khi đó áp lực lạm phát trong vài tháng tới là không bất ngờ với những ai quan sát kỹ lưỡng. Trong tình huống thực sự phải tăng lãi suất điều hành, cũng không có gì quá đáng ngại vì lãi suất của chúng ta vẫn ở vùng thấp. Nếu kinh tế phục hồi, tín dụng tăng trưởng trở lại, việc tăng lãi suất cũng không có gì quá đáng ngại.

Các thông tin hỗ trợ có lẽ sẽ không có nhiều do mùa ĐHĐCĐ và BCTC quý I đã qua. Đây cũng là diễn biến bình thường như mọi năm. Và khi bước vào mùa hè, thanh khoản thường ở mức thấp là điều dễ hiểu.

Trong một thị trường kiểu như thế này, sự phân hóa sẽ diễn ra và tất nhiên không phải nhóm nào cũng có cơ hội. Thị trường hiện tại điểm mua tốt nhất là khi các tin xấu có ra mà thị trường vẫn ít biến động, không giảm.

Tôi cởi mở với mọi kịch bản. Câu chuyện tháng 5 không phải câu chuyện chỉ số mà là câu chuyện chọn cổ phiếu. Kỳ vọng chỉ số giữ vững được trên vùng MA200, tương đương quanh 1.170 - 1,180 điểm, hoặc tốt hơn là 1.200 điểm. Nhà đầu tư nên tập trung vào nhóm ngành và cổ phiếu cụ thể.

Ông Nguyễn Huy Bằng: TTCK trong tháng 5 sẽ rất phân hóa, không còn phân hóa theo ngành mà phân hóa theo từng cổ phiếu riêng biệt. Nửa đầu tháng dự báo sẽ còn giao dịch thận trọng, có thể kéo dài cho đến nửa cuối tháng 5. Về điểm số, VN-Index có thể dao động trong biên độ 1.150 - 1.255 điểm, với xu hướng chủ đạo tích lũy đi ngang.

Các cổ phiếu có nền tảng cơ bản, lợi nhuận kinh doanh tốt, cổ tức cao sẽ là lựa chọn thích hợp cho nhà đầu tư (tỷ lệ chia cổ tức trên 8%/năm sẽ là điểm đến thích hợp).

Về yếu tố thông tin, ngày 14-15/5 các thông tin về PPI và CPI cùng doanh số bán lẻ của Mỹ sẽ là thông tin hữu ích để giới phân tích và nhà đầu tư kỳ vọng vào chính sách và phản ứng của FOMC trong kỳ họp rạng sáng ngày 23/5. Nhà đầu tư sẽ rất quan tâm đến việc Fed phản ứng ra sao trong bối cảnh lạm phát dường như đang có manh nha quay trở lại. Ngày 30/5, số liệu GDP theo quý sẽ công bố.

Về trong nước, nhà đầu tư cần theo dõi sát các diễn biến tỷ giá, để đánh giá về các áp lực nên chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước theo chiều hướng tăng cường áp lực hay hạ nhiệt.

-Đa phần các doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh quý I và tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên. Theo quan sát của ông, đâu là những nhóm ngành nhà đầu tư cần chú ý ở khía cạnh cơ bản?

Ông Bùi Văn Huy: Bức tranh kết quả kinh doanh quý I tương đối phân hóa. Có những nhóm ngành tăng trưởng lợi nhuận tương xứng và vượt kỳ vọng, nhưng cũng có những ngành kém hơn so với kỳ vọng. Ở đó cho thấy nhà đầu tư cần có sự phân bổ, luân chuyển lại các nhóm ngành.

Cụ thể, nhóm ngân hàng dù vẫn duy trì tăng trưởng lợi nhuận nhưng mức độ tăng trưởng kém hơn so với kỳ vọng và mức độ tăng giá của các cổ phiếu này trong thời gian vừa qua. Tất nhiên nhóm ngân hàng còn “game” chia cổ phiếu thưởngvà tăng vốn nên khả năng khó giảm sâu.

Bất động sản là nhóm gây thất vọng lớn khi kết quả kinh doanh vẫn rất kém, khả năng chỉ có thể dần khởi sắc vào cuối năm nay hoặc qua năm sau.

Nhóm chứng khoán vẫn duy trì tăng trưởng lợi nhuận rất tốt nhờ giá và thanh khoản thị trường đều tích cực trong quý I. Tuy nhiên những thông tin về tiến độ triển khai KRX khiến ảnh hưởng tâm lý nhóm này.

Các nhóm tích cực nhất và tăng trưởng vượt kỳ vọng có thể kể đến: bán lẻ, công nghệ, viễn thông… đây cũng là các nhóm đang diễn biến tích cực nhất & có thể tiếp tục tích cực trong tháng 5.

 

(Nguồn: Ông Bùi Văn Huy cung cấp).

 

Ông Nguyễn Huy Bằng: Nhóm ngành nhà đầu tư nên chú ý phải kể đến công nghệ và viễn thông; nhóm hàng không, khi vào mùa du lịch đang bắt đầu; nhóm cảng biển và xuất khẩu; nhóm nhỏ các doanh nghiệp bất động sản với phân khúc phục vụ nhu cầu ở thực, bất động sản khu công nghiệp; nhóm ngân hàng quốc doanh và các ngân hàng thương mại tư nhân có tính minh bạch cao.

Ngoài ra, nhóm cp bán lẻ một vài thời điểm với những câu chuyện riêng có thể tạo sức hút cho nhà đầu tư. Số liệu từ tổng cục thống kê 4 cho thấy mức tăng trưởng 8,4% so với cùng kỳ là động lực lớn cho kỳ vọng phục hồi của ngành.

Nhóm ngành điện đang được nhà đầu tư kỳ vọng vào việc EVN được tăng giá bán lẻ sẽ có dòng tiền chi trả cho các công nợ kéo dài của các nhà máy phát điện. Từ đó có các DN này có thể sớm trả cổ tức cho cổ đông. Nhóm điện cũng là nhóm duy trì tỷ suất cổ tức khả quan trên 7%/năm.

-Hệ thống KRX chưa thể đưa vào vận hành (go-live) như dự kiến ngày 2/5. Việc trì hoãn này có tác động ra sao, thưa ông?

 

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP HCM của DSC. (Ảnh: NVCC).

 

Ông Bùi Văn Huy: Việc hoãn có thể gây thất vọng không nhỏ cho nhà đầu tư, tuy nhiên sẽ không làm ảnh hưởng đến định hướng nâng hạng. Câu chuyện nâng hạng vẫn ở đó. Việc sửa đổi các thông tư liên quan sẽ giải quyết câu chuyện pre-funding cho nhà đầu tư nước ngoài và gỡ thêm một nút thắt.

KRX sẽ là nền tảng cho các sản phẩm mới được triển khai từ đó gia tăng thanh khoản và chiều sâu thị trường. Ai cũng mong được triển khai sớm, nhưng đối với sự lên xuống của thị trường, quan trọng hơn vẫn là bối cảnh lớn.

Riêng về câu chuyện vận hành KRX, sau thời gian chờ đợi quá lâu, có lẽ kỳ vọng bây giờ cũng mỏi mệt, nhưng quan trọng hơn là cách hành xử và truyền tải thông tin mỗi lần lỡ hẹn và lộ trình cụ thể sắp tới. Điều này nhằm để nhà đầu tư trong và ngoài nước cảm thấy được tôn trọng.

Ông Nguyễn Huy Bằng: Về KRX, nhà đầu tư vốn đang rất kỳ vọng vào việc go-live vào 2/5 nhưng đã không thành hiện thực. Điều này đã gây phần nào thất vọng cho nhà đầu tư, và đã phản ánh vào nhịp điều chỉnh giá các cổ phiếu ngành chứng khoán so với mức đỉnh gần đây.

Tuy nhiên vào một thời điểm trong tương lai, có thể là 2/9 tới, kỳ vọng này có thể sẽ quay lại. Tôi tin cơ quan quản lý sẽ nỗ lực đưa KRX vào vận hành trong thời gian tới sẽ quyết liệt hơn nữa. Vì vậy, nhà đầu tư không nên quá bi quan. Đương nhiên kỳ vọng sẽ không sớm quay lại ngay trong ngắn hạn. Nhà đầu tư có thể lưu ý đến thời điểm 2/9 để kỳ vọng vào một sóng ngành chứng khoán trong thời gian tới.

-Với bối cảnh hiện tại, ông có lời khuyên nào gửi gắm đến các nhà đầu tư trên thị trường?

Ông Bùi Văn Huy: Trong bối cảnh thị trường tháng 5, nhiều tin tiêu cực sẽ xuất hiện, do đó nhà đầu tư cần nhìn bối cảnh rộng hơn để có thể vượt qua áp lực với các thông tin xấu. Một lần nữa, trạng thái khi thị trường/nhóm ngành hấp thụ tin xấu và “trơ ra” (kém phản ứng) không giảm nữa sẽ là thời điểm đầu tư phù hợp.

Sự tập trung nên dành cho nhóm ngành, cổ phiếu hơn là điểm số thị trường. Tin xấu, tiền yếu hay chỉ số bấp bênh, rất cả những điều đó có thể khiến nhà đầu tư dao động. Hãy tập trung vào cổ phiếu có câu chuyện, có dòng tiền, nền tảng tốt và duy trì đà tăng trưởng. Không hưng phấn mua đuổi, cũng không cần vội vàng, bám xu hướng và quản trị rủi ro với những cổ phiếu mình chọn.

Ông Nguyễn Huy Bằng: Rủi ro thị trường vẫn còn có thể ở phía trước khi áp lực CPI còn đang đè nặng với chính phủ các quốc gia trên thế giới và Việt Nam không phải ngoại lệ. Rủi ro về lãi sut vẫn còn phía trước nhưng ngắn hạn các áp lực như tỷ giá, lợi suất trái phiếu chính phủ, giá vàng đã có phần hạ nhiệt.

Vùng trống thông tin sẽ không thể hút dòng tiền lớn đổ vào thị trường. Vì vậy đây cũng là lúc nhà đầu tư có nhiều thời gian để lựa chọn các doanh nghiệp có yếu tố cơ bản, lợi nhuận kinh doanh kinh doanh rõ ràng, minh bạch và cổ tức cao sẽ là lựa chọn tốt hơn trong bối cảnh lãi suất tiền gửi vẫn đang ở mức thấp.

Xin cám ơn ông trả lời phỏng vấn!

Xuân Nghĩa